BẢN TIN EPLegal

CẬP NHẬT PHÁP LÝ: NGHỊ ĐỊNH 50/2021/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ

By

Cập nhật pháp lý mới nhất: Chính phủ đã ban hành nghị định số 50/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng

Ngày 01/04/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP trong quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng hay còn gọi là “Nghị định 50”). 

Nghị định 50 đã nêu ra quan điểm mới rất đáng lưu ý về điều chỉnh hợp đồng. Theo đó, trong trường hợp việc thay đổi các chính sách có tác động trực tiếp tới việc thực hiện hợp đồng xây dựng thì việc điều chỉnh sẽ chỉ áp dụng cho phần công việc bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chính sách đó. Việc điều chỉnh hợp đồng phải thực hiện theo quy định của cơ quan ban hành, hướng dẫn thực hiện chính sách. 

Một số hợp đồng mới đã xuất hiện tại Nghị định 50, cụ thể là đưa thêm khái niệm về “Hợp đồng xây dựng đơn giản, quy mô nhỏ”, sửa tên Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ thành “Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị” và bổ sung “Hợp đồng theo chi phí cộng phí” và “Hợp đồng xây dựng khác” – hai loại hợp đồng quy định tại điều 140 Luật xây dựng nhưng lại không được đề cập đến trong nghị định số 37/2015/NĐ-CP. 

Về việc tạm ứng hợp đồng, Nghị định 50 đã giảm bớt các thủ tục không cần thiết, bổ sung các quy định mở về tạm ứng đối với hợp đồng đơn giản, quy mô nhỏ như việc tạm ứng hoặc không tạm ứng do bên giao thầu và bên nhận thầu xem xét; hay Chủ đầu tư xem xét việc thực hiện bảo lãnh tạm ứng hợp đồng. 

cap-nhat-phap-ly

Nghị định 50 cũng quy định rõ thêm về điều chỉnh khối lượng công việc, điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng. 

Không chỉ vậy, Nghị định 50 cũng điều chỉnh, sửa đổi các quy định liên quan đến Hợp đồng tổng thầu EPC. Theo đó, quy định những nội dung mà các bên phải thỏa thuận trước khi ký kết hợp đồng EPC, bao gồm: phạm vi công việc dự kiến, vị trí xây dựng, thông tin về điều kiện tự nhiên, yêu cầu về thiết kế kỹ thuật, giải pháp về xây dựng,.. 

Nghị định 50 đã “mở” hơn, trao quyền chủ động hơn khi ưu tiên áp dụng hợp đồng EPC đối với dự án mang tính phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ. Trước khi quyết định áp dụng loại hợp đồng EPC, người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức đánh giá các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, rút ngắn thời gian thực hiện của dự án, tính đồng bộ và đảm bảo tính khả thi của việc áp dụng hợp đồng EPC so với các loại hợp đồng khác 

Trên đây là những cập nhật pháp lý về Nghị định 50/2021/NĐ-CP mà Chính phủ đã ban hành trong tháng 4 vừa qua, các đơn vị hay cá nhân liên quan lĩnh vực xây dựng cần lưu ý.

Để được cập nhật thêm các thông tin pháp lý, doanh nghiệp có thể gửi email tới địa chỉ: info@eplegal.com để được nhận Newsletter định kì của chúng tôi.