- Giới thiệu
Điều khoản giải quyết tranh chấp song phương mang lại cho mỗi bên trong hợp đồng quyền bình đẳng trong việc giải quyết tranh chấp, tức là cả hai bên đều có quyền đưa tranh chấp của mình ra tòa án hoặc trọng tài như nhau. Ngược lại, điều khoản trọng tài đơn phương là điều khoản chỉ cho phép một bên có quyền lựa chọn giữa trọng tài và toà án trong khi bên còn lại chỉ có một sự lựa chọn duy nhất.
Các điều khoản trọng tài đơn phương rất phổ biến trong các hợp đồng tín dụng.[1] Cơ sở lý luận đằng sau điều khoản này chính là chúng sẽ đảm bảo rằng bên cho vay có thể thu hồi được tài sản thế chấp của bên đi vay một cách linh hoạt hơn, đặc biệt là những tài sản nằm ở nhiều quốc gia khác nhau.[2]Ví dụ, trong một tình huống mà khoản vay là rõ ràng và không có tranh chấp liên quan đến nó, bên cho vay (ngân hàng hoặc tổ chức tài chính) có thể khởi kiện bên vay ở tòa án tại quốc gia mà có tài sản thế chấp thay vì đưa ra trọng tài. Bởi vì việc giải quyết tranh chấp tại toà án sẽ giúp bên cho vay thu hồi nợ trong thời gian ngắn hơn, trong khi việc giải quyết bằng trọng tài có thể rất tốn kém và mất thời gian.
Ngoài ra, điều khoản trọng tài đơn phương có thể được quy định trong các loại hợp đồng khác, chẳng hạn như trong hợp đồng thuê nhà, hợp đồng thuê tàu, hợp đồng lao động và các loại hợp đồng khác.
Điều khoản trọng tài đơn phương được thực thi ở nhiều quốc gia.[3] Tuy nhiên, khả năng thực thi của điều khoản này vẫn còn gây tranh cãi ở một số quốc gia khác.[4] Bài viết này giải quyết câu hỏi liệu điều khoản trọng tài đơn phương có hiệu lực ở Việt Nam hay không.
- Các loại điều khoản trọng tài đơn phương khác nhau
Có hai loại điều khoản trọng tài đơn phương. Loại điều khoản trọng tài đơn phương đầu tiên sẽ cho phép các bên trong hợp đồng đem tranh chấp của mình ra toà án nhưng chỉ có một bên được phép đem tranh chấp ra trọng tài. Ví dụ:
“Notwithstanding the submission to jurisdiction of English Courts clause, the Lender may, at any time before instituting any court proceedings, or otherwise submitting to the jurisdiction of a court, elect to have any dispute finally settled by arbitration. The arbitration shall be conducted in accordance with the Rules of the Singapore International Arbitration Centre in effect at the time of the arbitration (the “Rules”), except as they are modified by the provisions of this Agreement.”
Loại điều khoản trọng tài đơn phương thứ hai sẽ cho phép các bên cùng đem tranh chấp ra trọng tài để giải quyết nhưng chỉ một bên có quyền lựa chọn đem tranh chấp ra toà án. Ví dụ:
“All disputes, claims, controversies, and disagreements relating to or arising out of this Agreement, or the subject matter of this Agreement, shall be finally resolved by arbitration in accordance with [add institutional arbitration rules]. Notwithstanding the foregoing, [Party A] shall be free at its sole option to seek judicial relief..”
- Quan điểm của toà án Việt Nam đối với điều khoản trọng tài đơn phương
Hiện tại, ở Việt Nam vẫn chưa có vụ việc nào liên quan đến hiệu lực của điều khoản trọng tài đơn phương trong bối cảnh của một hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này dựa vào Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP (“Nghị quyết 01”).
Đối với trường hợp các bên vừa thoả thuận trọng tài vừa thoả thuận toà án, Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 01 quy định như sau:
(i) Trường hợp nguyên đơn yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu toà án giải quyết, hoặc yêu cầu trọng tài giải quyết trước khi toà án thụ lý, thì toà án phải căn cứ Điều 6 của Luật Trọng tài Thương mại 2010 (“LTTTM”) hoặc Điểm i Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự để từ chối giải quyết vụ việc.
(ii) Trường hợp nguyên đơn yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được yêu cầu, toà án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu trọng tài giải quyết hay chưa. Nếu các bên đã yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp thì toà án sẽ từ chối thụ lý. Trong trường hợp mà các bên chưa yêu cầu trọng tài giải quyết thì toà án sẽ xem xét thụ lý giải quyết vụ việc.
Thực tế, pháp luật Việt Nam có một cách tiếp cận cởi mở đối với điều khoản trọng tài đơn phương. Ở một mức độ nhất định, Việt Nam có thể được coi là quốc gia ủng hộ trọng tài trong vấn đề đó. Ngay cả khi một bên đưa tranh chấp ra tòa ngay từ đầu, tòa sẽ luôn ưu tiên lựa chọn trọng tài trong điều khoản trọng tài đơn phương. Trước khi thụ lý vụ việc, tòa án luôn đảm bảo rằng không bên nào đưa tranh chấp ra trọng tài.
Hơn nữa, tòa án sẽ công nhận hiệu lực của điều khoản mà cho phép người tiêu dùng lựa chọn giữa toà án và trọng tài. Cụ thể, Điều 17 LTTTM quy định rằng mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn trong thoả thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn trọng tài hoặc toà án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại trọng tài nếu như được người tiêu dùng đồng ý. Nếu người tiêu dùng không đồng ý giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thỏa thuận trọng tài đó sẽ không thể thi hành.[5]
- Các quốc gia thi hành điều khoản trọng tài đơn phương
Ở nhiều quốc gia ủng hộ trọng tài như Anh và Singapore, điều khoản trọng tài đơn phương luôn được xem là có hiệu lực.
Ở Anh, ban đầu toà án cho rằng một thỏa thuận trọng tài sẽ chỉ có hiệu lực nếu cả hai bên đều có quyền đưa tranh chấp của mình ra trọng tài.Tòa phúc thẩm ở vụ việc Baron vs. Sunderland Corp (1966) cho rằng: “Trong điều khoản trọng tài, mỗi bên phải đồng ý đưa tranh chấp ra trọng tài; và nó là một yếu tố quan trọng của điều khoản trọng tài rằng khi tranh chấp xảy ra một trong hai bên có thể đưa tranh chấp ra trọng tài theo cách thức đã được quy định. Nói cách khác, điều khoản phải trao cho cả hai bên quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”. Toà án trong vụ việc giữa Tote Bookmakers Ltd và Development and Property Holding Co Ltd (1985) cũng đã đưa ra quyết định tương tự.[6]
Tuy nhiên, các tòa án Anh đã thay đổi cách tiếp cận của họ đối với hiệu lực của các điều khoản trọng tài đơn phương. Trong vụ việc giữa Pittalis và Sherefettin (1986), Tòa Phúc thẩm đã đề dựa vào sự đồng thuận của các bên đối với điều khoản trọng tài đơn phương, và đã bác bỏ các bản án trước đó. Toà án đã lập luận rằng: “Tôi không thấy có bất cứ lý do gì nếu một thỏa thuận giữa hai bên chỉ cho phép một trong hai bên có quyền đưa tranh chấp ra trọng tài thì thoả thuận đó lại không cấu thành thoả thuận trọng tài. Hoàn toàn có một thỏa thuận song phương cấu thành thoả thuận trọng tài. Thực tế là sự lựa chọn đó chỉ được một bên sử dụng đối với tôi là không liên quan. Thoả thuận đó phù hợp với cả hai bên”. Hơn nữa, tòa án trong vụ việc giữa Law Debenture Trust Corp và Elektrim Finance BV (2005) đã theo cách tiếp cận của vụ việc Pittalis và tuyên bố rằng: “[..] một điều khoản đơn phương mang lại lợi thế cho một trong các bên nhưng điều khoản này không nên được xem là một điều khoản kỳ lạ mà nên được xử lý giống như bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng mà mang lại lợi ích cho một bên”.
Ngoài ra ở Singapore, trong vụ việc của Dyna Jet, Tòa án Tối cao nhận định rằng điều khoản trọng tài đơn phương đã cấu thành một thỏa thuận trọng tài và do đó nó có hiệu lực thi hành theo Đạo luật Trọng tài Quốc tế Singapore.[7]
- Các quốc gia từ chối thi hành điều khoản trọng tài đơn phương
Trong vụ việc của Sony Ericsson[8], Tòa án Nga đã đi ngược lại cách tiếp cận nhất quán ở Nga và từ chối công nhận hiệu lực của một điều khoản như vậy. Tòa án Nga đã dựa vào quyền được xét xử công bằng quy định tại Điều 6 của Công ước Châu Âu về Nhân quyền để đưa ra quyết định của mình.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nguyên tắc đối xử công bằng được áp dụng khi quá trình tố tụng đã bắt đầu.[9] Trong vụ Mauritius Commercial Bank Ltd. và Hestia Holdings Ltd. & Sujana Universal Industries Ltd. (2013), Tòa án Anh xác nhận rằng: “chính sách công mà được cho là vô lý là ‘quyền tiếp cận công lý bình đẳng’ như được phản ánh trong Điều 6 của ECHR. Nhưng Điều 6 hướng đến việc tiếp cận công lý trong một phương thức giải quyết tranh chấp do các bên lựa chọn, không phải liên quan đến sự lựa chọn các phương thức”. Nói cách khác, điều khoản trọng tàu đơn phương không ảnh hưởng đến quyền được đối xử công bằng trong tố tụng giữa các bên. Một điều khoản như vậy chỉ đặt các bên vào vị trí bất lợi trong giai đoạn trước khi khởi kiện tại trọng tài hoặc trước khi khởi kiện tại toà án. Do đó, không thể cho rằng điều khoản trọng tài đơn phương đi ngược lại với nguyên tắc đối xử công bằng.
Ở Pháp, trong vụ việc của Rothschild[10], Tòa án tối cao đã cho rằng một điều khoản giải quyết tranh chấp mà quy định tất cả các tranh chấp phải được đưa đến các tòa án Luxembourg nhưng chỉ cho phép một bên đơn phương đưa các tranh chấp đến bất kỳ tòa án có thẩm quyền nào khác thì không phải là một thỏa thuận trao thẩm quyền theo nghĩa của Điều 23 của Quy chế Brussels I, nhưng đúng hơn là sự áp đặt các điều khoản của bên này đối với bên kia. Một sự áp đặt như vậy được xem là “condition potestative” và khiến các điều khoản giải quyết tranh chấp như vậy trở nên vô hiệu, do đó cũng gây nên mối lo ngại về cách tiếp cận của các tòa án Pháp đối với điều khoản trọng tài đơn phương.
- Kết luận
Điều khoản trọng tài đơn phương là một công cụ hấp dẫn đối với các bên thương mại, đặc biệt là trong bối cảnh các hợp đồng tín dụng.
Trên bình diện quốc tế, hiệu lực của điều khoản trọng tài đơn phương vẫn không chắc chắn. Một số quốc gia ủng hộ trọng tài như Anh và Singapore, toà án luôn cho rằng điều khoản trọng tài đơn phương có hiệu lực. Việt Nam cũng áp dụng cách tiếp cận cởi mở đối với loại điều khoản này. Mặc dù chưa có bất kỳ vụ việc nào liên quan đến hiệu lực của điều khoản trọng tài đơn phương cho đến nay, nhưng các tòa án Việt Nam sẽ công nhận hiệu lực của điều khoản này dựa trên Nghị quyết 01. Trong khi đó, một số quốc gia như Nga và Pháp đã không công nhận hiệu lực của điều khoản này vì nhiều mối lo ngại khác nhau, đặc biệt là các mối lo ngại về đối xử công bằng.
Do đó, các bên trong hợp đồng vay nên lưu ý rõ vấn đề này. Các bên khi ký kết điều khoản trọng tài đơn phương cũng nên đảm bảo rằng điều khoản đó: (i) được điều chỉnh bởi luật của quốc gia công nhận hiệu lực của loại điều khoản đó; và (ii) quy định địa điểm trọng tài mà có cách tiếp cận cởi mở đối với điều khoản trọng tài đơn phương. Bên cạnh đó, các bên cũng nên xem xét nơi mà các phán quyết trọng tài của họ có thể được thi hành. Ở một số quốc gia, các nguyên tắc đối xử công bằng có thể nâng lên tầm chính sách công theo Điều V (2) (b) của Công ước New York. Điều này có thể ngăn cản việc thi hành phán quyết trọng tài ở quốc gia đó.
Có hai loại điều khoản trọng tài đơn phương, một trong số đó cho phép cả hai bên đưa tranh chấp ra trọng tài trong khi chỉ một bên được quyền lựa chọn đem ra toà án. Loại điều khoản còn lại trao cho cả hai bên quyền đưa tranh chấp ra toà án trong khi chỉ một bên được quyền đem tranh chấp ra trọng tài. Trong quá trình soạn thảo, các bên cần thận trọng khi quyết định đưa loại điều khoản thứ nhất hay thứ hai vào hợp đồng. Các bên được khuyến nghị sử dụng loại điều khoản đầu tiên để giảm thiểu khả năng điều khoản đó bị tuyên vô hiệu. Vì loại điều khoản này cho phép cả hai bên đem tranh chấp ra trọng tài, nên rất khó để một bên phản đối thẩm quyền của hội đồng trọng tài bất kể chỉ có một bên được đem tranh chấp ra toà án.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Gary B. Born, International Commercial Arbitration, 3rd edition, Kluwer Law International 2021, p. 866
[2] Deyan Draguiev, Unilateral Jurisdiction Clause: The Case for Invalidity, Severability or Enforceability; Peter Ashford FCIARB, Is an Asymmetric Disputes Clause Valid and Enforceable
[3] NB Three Shipping Ltd vs. Harebell Shipping Ltd (2004); Dyna-Jet Pte Ltd v Wilson Taylor Asia Pacific Pte Ltd (2016)
[4] Mme X v. Rothschild [2012]
[5] Khoản 4 Điều 5 Nghị Quyết 01
[6] Tote Bookmakers Ltd vs. Development and Property Holding Co Ltd,. 2 All E.R. 555, 1985.
[7] Dyna-Jet Pte Ltd v Wilson Taylor Asia Pacific Pte Ltd (2016)
[8] Russian Telephone Company v. Sony Ericsson Mobile Communication Rus (2012)
[9] Deyan Draguiev, Unilateral Jurisdiction Clause: The Case for Invalidity, Severability or Enforceability
[10] Mme X v. Rothschild [2012]